“Quẩy” là một món ăn có xuất xứ từ Trung Quốc. “Dầu chao quẩy” (con quỷ bị rán trong dầu) người Việt ta nói gọn “quẩy” là món ăn thường thấy trong bữa ăn của người Trung Quốc, nhất là vào bữa điểm tâm. Họ thường ăn cùng với cháo hoặc sữa đậu nành.
“Quẩy” vốn không phải để ăn kèm với phở. Hàng phở ở Hà Nội nghìn năm văn vật chẳng có hàng nào bán “quẩy”. Trước đây, “quẩy” ăn cùng với cháo tiết. Đây là một món ăn rất bình dân thường do người Hoa bán. Tiết lợn không dùng hết để đánh tiết canh, làm dồi lợn, được người bán hàng mua về nấu cùng với cháo. Cháo tiết rẻ, nếu ăn không thì chắc khó nuốt trôi. Chỉ có muối, lúc ấy ở ta chưa có mì chính, ngon lành gì đâu! Cái bát cháo hành của Thị Nở khiến Chí Phèo xúc động đến rơi lệ đâu phải do bản thân nó! Người ta cắt thêm vào bát cháo vài cái “quẩy”. “Quẩy” có vị bùi bùi, béo béo rất phù hợp với món ăn rẻ tiền này. Trên hè phố Đinh Liệt, góc với Gia Ngư có một hàng bán cháo tiết của người Hoa. Hôm nào phải đi lao động buổi chiều, trưa không kịp về nhà ăn cơm thì chỉ cần một hào ăn một bát cháo tiết là đủ no. Đó là thức quà của người nghèo.
Đến những năm chống Mỹ, các nước viện trợ cho nhiều bột mỳ. Bán cho cán bộ thay gạo rồi mà vẫn còn nhiều lắm. Trong khi dân lại đói. Người ta mới nghĩ ra các cách chế biến. Làm bánh mỳ, làm mì sợi bán thu tem lương thực thay gạo, để bán mỳ “không người lái” và làm “quẩy”. Mỳ “không người lái” và “quẩy” ban đầu bán riêng, xếp hàng ở hai chỗ khác nhau. Nhưng người Việt Nam vốn thông minh, nhanh chóng phát hiện ra rằng nếu ăn “quẩy” cùng với mỳ “không người lái” hoặc “phở không người lái” thì “được” lắm! Có cái “quẩy”, bát mỳ, bát phở đỡ nhạt nhẽo đi nhiều. Mà còn no lâu hơn nữa (có lẽ vì quẩy được rán bằng mỡ, dù không biết chất lượng của cái mỡ ấy thế nào, nó khiến quá trình tiêu hóa chậm lại, dù có khiến con người có cảm giác “ậm ạch” nhưng còn hơn cái bụng trống rỗng phải lên tiếng). Muốn ăn cũng mất công vì phải ba lần xếp hàng. Một lần xếp hàng mua vé, rồi xếp hàng để lấy phở và một lần nữa xếp hàng để mua quẩy. Mua quẩy thì không phải mua vé, trả tiền, lấy quẩy luôn vì quẩy có từng cái rồi, mậu dịch viên giao nhận cho nhau dễ dàng. Cái quẩy mậu dịch khi ấy dài chừng hai mươi phân, nhưng vì rán xong để lâu mới bán nên nó dai lắm. Thanh niên trai tráng, hàm răng còn chắc khỏe (chỉ thiếu cơ hội làm việc) mà muốn “dứt” nó ra cũng không phải dễ. Mà mậu dịch lấy thời gian đâu để cắt thành từng miếng cho khách? Không thể ăn bình thường. Chỉ có một cách là cho nó vào bát phở, sau khi ngấm nước, nó mềm ra. Đến bữa, trong người không có tem gạo, chịu khó xếp hàng ba lần, mua bát mì (hay phở) không người lái cùng với vài cái “quẩy” là xong bữa. (Mỗi người cũng chỉ được mua số lượng nhất định thôi, không được mua hộ). Khi nào đi hai người còn đỡ, đi một người thì thật vất vả. Lấy được mì ra rồi, để trên bàn chạy ra xếp hàng mua “quẩy”, cứ phải “mắt trước mắt sau” trông chừng vì sợ có anh nào nó “bê” mất bát mì thì … nhịn. Giá trị của cái bát mì không phải chỉ ở bản thân nó, tích lũy ở trong nó còn là thời gian và công sức xếp hàng chầu chực.
Lâu dần, ăn phở cùng với “quẩy” thành thói quen. Đến khi đầy đủ rồi, vẫn thấy ăn phở mặc dù đã có thịt cùng với “quẩy” là “được”. Có người ăn để nhớ lại thời thiếu thốn. Rồi thấy người ta ăn thì mình cũng ăn. Hình như người ta cho rằng đây là “đặc sản” của Hà Nội. Thế là thành phổ biến. Đâu có biết để rán “quẩy”, người ta đã dùng đủ các thứ dầu thải loại. Nhưng mà “khuất mắt trông coi”. Quen rồi. Người ta ăn, mình kém cạnh gì mà lại không ăn chứ! Có chết ngay đâu mà sợ!
Xem Thêm: các Meo vat hữu ích