Hàng chục loại trái cây như: kiwi, táo, nho... đổ bãi ở chợ Long Biên bỗng "lên đời" thành hoa quả nhập khẩu hạng sang chỉ nhờ vài cái tem tự in. Người tiêu dùng không thể phân biệt nổi đâu là hàng giả
Hiện nay, hàng tấn trái cây bán các chợ đầu mối, chợ tạm, quán cóc, vỉa hè được dán tem nhập ngoại thay vì trần trụi như trước đây.
Tại TP HCM, các loại trái cây sang chảnh dán tem ngoại lại được bán trên xe đẩy dọc đường Cách mạng tháng 8. Táo đỏ, xanh giá chỉ 35.000 đồng/kg, được dán tem nham nhở, chồng chéo lên nhau, ngoài dòng chữ “Euroecofood” thì không có thêm bất cứ thông tin gì.
Tem dán trên trái nho đỏ Mỹ có dòng chữ “Eurogoodfood” giá 50.000 đồng; dưa lưới cũng được bọc bằng lưới xốp và dán tem nhập từ Úc, dưa lưới nhập từ Thái Lan tem có chữ “Qecofood” giá chỉ 30.000 đồng/kg…
Một tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức tiết lộ, để hút hàng, các chủ hàng thường đặt làm tem ngoại tại các tiệm in tem. Để tạo độ tin tưởng cao thì gỡ tem của các loại hoa quả nhập khẩu trong siêu thị về nhái lại thông tin và mã vạch vì hầu hết người tiêu dùng đều yên tâm khi sản phẩm dán các dòng chữ “Ecofood”, “Goodfood”, “Zonefood”….đây là các nhãn hàng thực phẩm hữu cơ, nhập khẩu.
Xem thêm: Ý nghĩa các con số dán trên hoa quả nhập khẩu
Tại Hà Nội, các loại quả đều được gắn mác nhập ngoại như mận, táo Envy; cam Nam Phi; dâu, cherry, kiwi vàng Newziland…
Mức giá tại những điểm bán trái cây lại chênh lệch một trời một vực, chẳng hạn mận đỏ Mỹ tại các cửa hàng nhập khẩu online giá 600.000 đồng/kg, mận xanh Mỹ khoảng 500.000 đồng/kg. Trong khi, các chỗ khác chỉ 149.000 đồng/kg hoặc 250.000 đồng/kg…Không ít người tiêu dùng lạc vào “ma trận” về giá của các loại trái cây gắn mác nhập khẩu.
Ông Phạm Khắc Diến, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết, thị trường trái cây trong nước đang tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc được nhập qua đường tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng dán mác ‘ngoại xịn’ để đánh lừa người tiêu dùng khiến người tiêu dùng không thể phân biệt thật, giả.
Ngoài ra, với tâm lý sính ngoại, tin tưởng rằng trái cây nhập khẩu từ phương Tây có quy trình sản xuất sạch, không sử dụng các loại dư lượng, hóa chất độc hại, có hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đảm bảo sức khỏe nên ngày càng nhiều người tiêu dùng đổ xô mua trái cây ngoại nhưng vô tình bị móc túi bởi trái cây Trung Quốc.